Khởi động dự án Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu

(CT)- Sáng 27-5, tại TP Cần Thơ, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo khởi động dự án Hỗ trợ truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu do Chính phủ Australia tài trợ.

Hội thảo với sự tham dự của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Liên minh Hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản tại ĐBSCL. Tại hội thảo, đơn vị tư vấn trình bày về truy xuất nguồn gốc, các yêu cầu hợp chuẩn và xúc tiến thương mại đối với mặt hàng trái cây. Qua đó, giới thiệu về ứng dụng truy xuất nguồn gốc; công tác về xúc tiến thương mại sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo…

Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Quỹ Châu Á đã phối hợp, thử nghiệm và vận hành thành công ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp sản xuất thanh long hàng đầu tại Việt Nam trên cơ sở áp dụng công nghệ blockchain do đối tác công nghệ Australia ETI-Ethical Trade Innovations cung cấp. Trên cơ sở thành công và bài học kinh nghiệm khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long (năm 2017) của Việt Nam, dự án lần này không chỉ mở rộng quy mô ngành hàng mà bên cạnh việc phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc còn phát triển ứng dụng sàn thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

Một số chức năng ưu việt của ứng dụng truy xuất và sàn thương mại điện tử sẽ được triển khai bao gồm: chức năng truy xuất sử dụng công nghệ blockchain, đảm bảo sự minh bạch và thuận tiện cho doanh nghiệp; chức năng thu thập và tổng hợp dữ liệu phục vụ quản trị của doanh nghiệp; chức năng cấp chứng nhận tự động để giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; chức năng sàn thương mại điện tử áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI)… để hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Dự án không giới hạn vùng dự án nhưng ưu tiên hơn các vùng cho từng nhóm sản phẩm: nhóm mặt hàng cà phê (vùng Tây Nguyên và Sơn La), nhóm mặt hàng tiêu (Tây Nguyên), nhóm mặt hàng xoài (vùng ĐBSCL, Sơn La), nhóm mặt hàng gốm sứ và mây tre lá (vùng Đồng bằng sông Hồng)…

N.H

Nguồn: baocantho.com.vn

 

 

 

TIN VỪA XEM