Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Khủng hoảng thiếu nguyên liệu

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các DN sản xuất, kinh doanh (SXKD) thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bị ảnh hưởng nặng nề khi vừa thiếu nguyên liệu sản xuất, vừa khó tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Khó nhập nguyên liệu cho sản xuất

Mặc dù là quốc gia sản xuất TĂCN lớn của khu vực Đông Nam Á, nhưng Việt Nam hiện chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khi phần lớn phải nhập khẩu (NK) ngũ cốc, phụ gia lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, giá trị hàng tỷ USD. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, thị trường NK TĂCN và nguyên liệu sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam đã giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến hoạt động NK và vận chuyển nguyên liệu TĂCN về thị trường Việt Nam gặp khó khăn nhất định.

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi

Riêng ở Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2020, có 31 cơ sở sản xuất TĂCN, giảm 20,5% so với năm 2019 là 39 cơ sở, nhiều DN sản xuất TĂCN khác đều đang phải giảm công suất do thiếu nguồn nguyên liệu. Đại diện Công ty TNHH Tân Phương Đông (Hà Nội) – cho biết: Nhà máy sản xuất TĂCN của công ty hiện chỉ đạt 40 – 50% công suất.

Trước tình hình này, một số DN lớn về NK nguyên liệu TĂCN thông tin, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động. Tại một số DN, nguồn nguyên liệu tích trữ có thể chỉ đủ sản xuất đến hết tháng 5/2020. Cũng do khan hiếm nguồn nguyên liệu NK, nên giá TĂCN trên thị trường đã tăng đáng kể, điều này khiến giá thịt lợn hơi cũng tăng cao. Nếu không có giải pháp can thiệp giảm giá TĂCN, rất khó để giảm giá thành thịt lợn trên thị trường. Do vậy, kịch bản khủng hoảng thiếu nguyên liệu cho ngành TĂCN trong 3 tháng tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra.

Đa dạng thị trường nhập khẩu

Để tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất TĂCN, giải pháp trước mắt chính là mở rộng nguồn nguyên liệu. Hiện, hơn 70% nguyên liệu sản xuất TĂCN của Việt Nam được NK chính từ thị trường châu Mỹ và châu Âu. Đại diện một số DN cho biết, thực tế hiện nay, chi phí thu mua nguyên liệu sản xuất TĂCN ở các nước Đông Âu như Nga, Ukraine… đang tốt hơn so với các quốc gia truyền thống kể trên. Tuy nhiên, việc NK hiện rất khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục. Do đó, mong muốn các bộ, ngành, tạo điều kiện để các DN được nhập nguyên liệu sản xuất TĂCN từ các quốc gia Đông Âu.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn thúc đẩy tăng đàn, tái đàn, phục hồi chăn nuôi gia súc, gia cầm sau dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương thời điểm này cũng nhằm tăng lượng tiêu thụ TĂCN, tạo điều kiện để các DN phát triển sản xuất. Đồng thời, các sở, ngành xem xét chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN gặp khó khăn trong sản xuất. Mặt khác, các DN cần chủ động để thích ứng với bối cảnh phát triển mới để giải “bài toán” TĂCN, góp phần phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, thị trường NK TĂCN và nguyên liệu trong tháng 3/2020 đạt 294 triệu USD, tăng 8,19% so với tháng trước đó, song giảm 18,54% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: Vinanet

 

TIN VỪA XEM