Trợ lực để hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng

Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, hàng hóa dịch vụ của nước ngoài thuận lợi hơn để tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong xu hướng cạnh tranh, việc phát triển hệ thống phân phối được xem là giải pháp hiệu quả giúp cho hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường nội địa.

  • Hệ thống phân phối được xem là giải pháp giúp cho hàng Việt tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng tại thị trường nội địa. Trong ảnh: Khách hàng mua sản phẩm Việt tại Cửa hàng SatraFood đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều.

Hệ thống phân phối được xem là trung gian thiết yếu trong kinh doanh, là một trong những cơ sở quyết định tới tính hiệu quả của cạnh tranh hàng hóa trên thương trường. Trong những năm qua, mạng lưới phân phối hàng hóa tại TP Cần Thơ không ngừng được phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhiều loại hình doanh nghiệp đã tham gia, lưu lượng hàng hóa lưu thông ngày càng tăng… đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố. Ðến nay, trên địa bàn thành phố đã có một hệ thống hạ tầng thương mại tương đối tốt với 11 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 137 cửa hàng tiện ích và 107 chợ phân bố tại các quận, huyện góp phần phân phối lượng lớn sản phẩm thực phẩm, nhu cầu thiết yếu đến người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và các địa phương lân cận. Thông qua các nhà phân phối lớn như: Co.opmart, Big C, LOTTE Mart, VinMart, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Nguyễn Kim, Ðiện máy Chợ Lớn, siêu thị sách Fahasa, Phương Nam… người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt; cũng như các thương hiệu Việt có nhiều cơ hội hơn để quảng bá nhanh nhất sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Ngày 29-4-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 (Ðề án). Ðề án hướng tới mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường. Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Ðề án, đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Ðiểm bán hàng Việt Nam.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy, có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam. Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Ðối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc Vận động, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Ðề án cho rằng, thông qua Ðề án đã hỗ trợ hệ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa.

Năm 2011, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã ký bản thỏa thuận hợp tác thương mại với Sở Công Thương 20 tỉnh, thành miền Ðông – Tây Nam Bộ. Theo đó, chương trình tập trung thực hiện các nội dung: phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường; kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường (nếu có); phối hợp phát triển hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến phân phối; phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… Giai đoạn 2011-2016, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 336 siêu thị tổng hợp/chuyên doanh tại các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp bình ổn lớn, chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm thiết yếu như: Vinamilk, NutiFood, TH Truemilk, Vissan, Cầu Tre… cũng đã phát triển mạng lưới đại lý tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Những năm qua, Cần Thơ không xảy ra khan hàng, sốt giá, ngay cả trong những đợt cao điểm mua sắm mùa lễ, Tết và cả thời điểm xảy ra dịch COVID-19. Ðể được như vậy, bên cạnh thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, phải kể đến sự kết nối cung – cầu hàng hóa thị trường với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền Ðông – Tây Nam Bộ. Thường xuyên trao đổi thông tin diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu giữa các tỉnh, thành để kịp thời phối hợp xử lý, nhằm ổn định thị trường giá cả.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng, việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành đã giúp doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh gắn kết, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh tham gia phát triển mạng lưới gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động, góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại và thực hiện bình ổn thị trường tại các địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Nguồn: baocantho.com.vn

TIN VỪA XEM