Xuất nhập khẩu: Chờ cơ hội trong nửa cuối năm

Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý II, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 7 – 8% như kế hoạch vẫn có nếu tận dụng được các cơ hội thị trường.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng dệt may gặp khó khăn do bị hoãn, giãn đơn hàng, khẩu trang đang là “cứu cánh” của doanh nghiệp dệt may. 400 triệu khẩu trang y tế là số lượng trong đơn hàng Tổng công ty May 10 đã ký với đối tác giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc.

May 10 là một trong những doanh nghiệp đã thành công trong chuyển hướng mặt hàng phù hợp với tín hiệu thị trường, góp phần tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Công Thương, nếu trong quý I, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch Covid-19 thì bước sang quý II, hoạt động này phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường.

Xuất khẩu dự báo sẽ có nhiều cơ hội trong nửa cuối năm

Cụ thể, dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại… khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: dệt may và giày dép, đồ gỗ… tại nhiều thị trường giảm.

Đặc biệt, giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử, trong 4 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu nhân điều giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2019, cà phê giảm 2,2%, chè giảm 13,1%, hạt tiêu giảm 19%. Đặc biệt, tính đến ngày 27/4/2020, giá dầu thô WTI đã giảm mạnh 77,3% (tương ứng giảm 53,46 USD/thùng) so với đầu năm 2020, xuống còn 15,72 USD/thùng… ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 3/2020. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 16,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm 18,6% so với tháng 3/2020, đạt 247 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6% so với tháng 3/2020, ước đạt 2,02 tỷ USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,7%). Với tình hình xuất nhập khẩu như vậy, tháng 4, Việt Nam ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 3,04 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thặng dư đạt 983 triệu USD của 4 tháng đầu năm 2019.

Chờ cơ hội từ các FTA

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4/2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản. Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… do đó, nhu cầu được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.

Nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn. Đơn cử, Italia sẽ bắt đầu cho phép ngành công nghiệp sản xuất hoạt động trở lại từ ngày 4/5 trong kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trường học vào tháng 9. Bỉ cũng công bố kế hoạch mở lại các doanh nghiệp và trường học giữa tháng 5 và nhà hàng là từ ngày 8/6. Còn Ấn Độ, Iran, Israel khởi động lại các doanh nghiệp tại những khu vực có nguy cơ bùng phát Covid-19 thấp. Chính phủ Australia, New Zealand cùng lúc chuẩn bị mở cửa dần nền kinh tế và một số địa phương thận trọng nới lỏng lệnh phong tỏa.

Ở nội địa, ngày 24/4/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, mức thuế cuối cùng áp cho các doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá xuất khẩu), giảm đáng kể so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg. Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg, giữ nguyên so với POR14. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%. Mức thuế chống bán phá giá cho cá tra sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang một số thị trường cũng có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước.

Trong khi dịch Covid-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngày 21/4/2020, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Tây). Hội nghị có sự kết nối và tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Vinanet

 

 

 

TIN VỪA XEM